Ngày cập nhật: 09:38:14 21/12/2015

         Có quá nhiều huyền thoại nơi “sơn cùng thủy tận” trên đất U Minh, Cà Mau. Huyền thoại nào cũng đẹp, cũng lung linh minh chứng cho vùng đất hào hùng, cuộc sống đầy bất trắc và thiên nhiên bao giờ cùng đùm bọc con người vượt qua gian khó. Tôi trở lại U Minh ngập tràn trong huyền thoại và thực tại chợt nao lòng nhận ra nơi đây vẫn còn nhiều gian khó dù được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Huyền thoại rắn U Minh Hạ

         Cách đây lâu lắm nơi đây là chốn rừng thiên nước độc. Cây cối um tùm chứa đầy thú dữ. Những người lớn tuổi kể rằng rừng U Minh rắn nhiều vô kể. Có con đến cả trăm kg. Những bận cháy rừng, rắn rùa cùng với muôn thú chạy ra bìa rừng tìm nơi ẩn náu. Người dân chẳng dám đi bắt vì sợ chúng làm càn. Trong làn sương mỏng manh ấy, anh thợ săn đã giải nghệ Võ Văn Vinh mắt dõi theo cánh rừng nhớ lại: “12 tuổi tui đã theo cha vào rừng mưu sinh. Cánh rừng này trước đây nhiều heo (lợn) muông thú lắm. Có ngày tôi hạ đến 2 con luôn đó”. Vinh nổi tiếng “liều mạng” ở cánh rừng này. Thông thường thợ săn thú đi có bạn từ 2 đến 3 người trở lên. Vinh thì không. Một mình anh cùng với cây mác (một loại dao nhọn, cán dài) và chiếc ba lô là băng rừng. Trong những chuyến đi rừng, anh đã từng gặp rắn hổ mây dài đến 20m, bò qua con mương đầu bên kia đuôi còn tận bên đây. Kinh nghiệm đi rừng cho thấy anh biết chẳng dại gì đụng chạm đến “thần rắn” U Minh. Hễ nghe phảng phất mùi tanh hôi thì băng hướng khác mà đi. Anh bảo: “Mình đừng đụng chạm đến miếng ăn của “thần” thì “thần” cũng chẳng động chạm đến mình”.

         Anh Nguyễn Chí Linh còn nhớ như in vào năm 1992, anh em đi tuần như mọi khi phải hoảng hồn tháo chạy vì gặp phải con rắn hổ mây bò chắn ngang lối đi. Lúc đầu anh cứ ngỡ là khúc cây ngã chắn ngang đường, nhưng khi nhìn lại thấy nó nhúc nhích. Anh em hô to “rắn, rắn...” rồi bỏ chạy về chòi canh. Chưa có ai đo được rắn hổ mây dài bao nhiêu, cũng như chẳng ai dám bắt nó để cân bao nhiêu ký.

          Đầu năm 2010 những cán bộ của Vườn Quốc gia U Minh hạ phát hiện một con rắn lớn băng ngang con lộ nhựa từ trụ sở Vườn quốc gia về đài quan sát. Anh Nguyễn Văn Hòa kê: “Tôi chạy xe máy gần đến Đài quan sát thì phát hiện phía trước có một khối to, đen chắn ngang. Tôi đứng chết trân vài phút mới định thần lại quan sát. Khoảng 15 phút con rắn mới bò qua hết”. Anh nhận định: “Chắc nó chuẩn bị lột da nên di chuyển rất chậm. Tiếc là không đem máy ảnh theo nên không ghi hình lại được”.

         Trong hai cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc, những cơ sở sản xuất vũ khí, những lán trại, quân y nằm dưới tán rừng hùng vĩ này. Giặc Mỹ đã nhiều phen “nhổ cỏ” rừng U Minh, nhưng chính những thảm thực, động vật nơi đây dang bàn tay huyền thoại chở che bom đạn. Và vì vậy, sau cuộc chiến U Minh cũng thương tích đầy mình dẫu chẳng ai phong ... thương binh, liệt sĩ.

Hiện tại chưa ngọt ngào

          Sau chiến tranh rừng lại hồi sinh, xanh tốt trở lại, nhưng mảnh đất “rừng thiên nước độc” này chưa hết những nỗi đau. Đó là những lần cháy lớn rừng tràm U Minh Hạ, U Minh Thượng. Muôn thú trong rừng tan tác theo từng làn khói trắng mịt mù. Thống kê của hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang, những đợt cháy rừng tàn lụi trên 50.000ha rừng tràm. Tuy nhiên, sau những lần “bà hỏa” lấy đi đáng kể những cây tràm, nhiều vùng đất đã kịp hồi sinh. Dù vậy những cánh rừng nguyên sinh còn lại không nhiều. Hiện tại cả U Minh Hạ và U Minh Thượng còn lại đúng 2.593ha rừng tràm nguyên sinh trên đất than bùn.

         Điều tra của các nhà lâm sinh cho thấy, rừng U Minh Hạ có 32 loài thú, 74 loài chim, 36 loài bò sát, 11 loài lưỡng cư; 79 loài thực vật thuộc 65 chi, 36 họ trong đó có 11 loại gỗ có giá trị kinh tế cao. Là người gắn bó với cánh rừng U Minh nhiều năm nay, anh Nguyễn Tấn Truyền, cán bộ Phòng kỹ thuật của Vườn Quốc gia U Minh Hạ bảo tôi: “Con số động, thực vật anh được nghe đã được thống kê từ năm 1983. Hiện nay có thể nhiều hơn. Tại đây tôi đã từng gặp những căn nhà nai khá lớn, bắt gặp những cây tràm cổ thụ dang tay ôm không hết. Tuy nhiên, điều khá lý thú là chúng tôi gặp cả những cơ sở hoạt động cách mạng trước đây trong cánh rừng nguyên sinh này”. Ngay như bộ sưu tập bướm của anh có đến gần 100 loài. Tôi nghĩ, giá như anh làm hướng dẫn viên du lịch thì tốt biết mấy. Và giật mình nhận ra du lịch nơi đây vẫn còn xa lắm.

Giấc mơ du lịch sinh thái

          Ngay từ năm 1998, khi còn là vườn Vồ Dơi, tỉnh Cà Mau đã quy hoạch phát triển du lịch tại đây. Sau khi được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, Vườn quốc gia U Minh Hạ trở thành điểm đến trong bản đồ du lịch của cả nước. Tuy nhiên, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ Nguyễn Văn Thế cho biết: “ Phân khu dịch vụ hành chính trên 800ha vẫn mới chỉ dừng lại ở dạng quy hoạch. Chính vì vậy, hiện tại chúng tôi chưa thể làm gì được”.

         Dự định của Vườn Quốc gia là sẽ làm nhà trưng bày thu nhỏ, trước mắt là các loại thực vật, sau đó là động vật. Bên cạnh đó, xây dựng những nhà dạng lán trại sâu trong rừng phục vụ du khách gắn với các dịch vụ: câu cá, bắt rùa, đặt trúm lươn... Cà Mau đã đầu tư trên 20 tỉ đồng để hoàn thiện hạ tầng cho Vườn quốc gia U Minh Hạ. Đó là những con đường từ trụ sở Vườn quốc gia U Minh Hạ đến Đài quan sát và những điểm dừng chân. Nhưng bấy nhiêu đó vẫn chưa thấm vào đâu với tiềm năng du lịch to lớn của cả vùng U Minh Hạ kỳ bí.

          Khi đến mùa khô, U Minh Hạ lại chuẩn bị “đóng cửa rừng” để vào mùa chống cháy. Đợi đến mùa mưa, rừng tràm mới “mở cửa” trở lại. Cái khó của ngành Du lịch khi phải khai thác nửa mùa. Vào rừng U Minh Hạ để thấy hoa tràm nở, chạm vào tổ ong mật, nghe tiếng chim hót, bước chân của muông thú và lắng nghe huyền thoại từ những ngọn gió bay về.

THƯ VIỆN ẢNH